Cùng với sự phát triển Kinh tế- Văn Hóa, trong vài chục năm gần đây hàng nghìn ngôi Chùa miền Bắc được tạo mới hệ thống tượng thờ. Việc giao thoa văn hóa nghệ thuật, phương pháp đào tạo nghề theo truyền khẩu hay sao chép tượng theo mẫu của những ngôi chùa có tiếng đã tạo ra nhiều phiên bản tượng Đức Ông và Đức Thánh Hiền mới lạ. Tuy nhiên sự sáng tạo vô tình hay hữu ý nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu về Lịch sử, Kinh Phật và Truyền thuyết đã khiến các bức tượng trở lên xa rời ý nghĩa Phật giáo và một số tượng bị cường điệu quá mức.
SỰ HÌNH THÀNH HÌNH TƯỚNG VÀ THỦ ẤN CỦA CÁC NGÀI
So với các quốc gia khác ở Á châu, vấn đề nghiên cứu lịch sử phát triển mỹ thuật ở Việt Nam còn rất mới, nhất là lãnh vực Phật giáo. Một số học giả về ngành phê bình lý luận lịch sử mỹ thuật thì không rành về Phật học. Trong khi các nhà nghiên cứu Phật học thì ít ai để tâm nghiên cứu ngành lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Ngài Cấp Cô Độc, theo như kinh điển và văn chương Phật giáo, là vị Thánh “bảo hộ trẻ thơ và là người bạn tốt cho những kẻ nghèo nàn cô thế”, và là một vị đệ tử tại gia nổi tiếng của Đức Phật. Khi du nhập vào Việt Nam Trưởng giả Cấp Cô Độc đã trở thành Đức Ông, vị Thánh bảo vệ trẻ thơ khó nuôi dưỡng, và được tôn thờ như vị thần hộ mạng trẻ em trên cõi thế. Ngài A-nan, vị thị giả của Phật, đã trở thành kẻ cứu độ cho các oan hồn, các cô hồn và các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn và được tôn thờ như một vị Thánh Hiền độ kẻ ở cõi âm.
Nghiên cứu bộ tượng Thánh Hiền A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc trong truyền thống nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy người Việt xưa đã khéo léo chuyển hóa hai vị đệ tử nổi tiếng của Phật để trở thành Thánh Hiền và Đức Ông trong truyền thống thờ tự ở các chùa Việt ở miền Bắc. Thánh Tăng và Đức Ông đã từ từ đi vào văn hóa Phật giáo người Việt và trở thành một phần tín ngưỡng của phổ biến trong nhân gian. Câu chuyện ngài A-nan gặp quỷ đói rồi với lòng từ bi vô lượng đã xin Đức Phật phương tiện cứu giúp cho loài ngạ quỷ được no đủ và độ thoát cảnh địa ngục đã được các vị tổ sư Mật tông chuyển thành nghi thức cúng thí cô hồn. Các vị Tăng Việt Nam đã tiến một bước nữa bằng cách áp dụng nghi thức tiểu thí thực cô hồn vào các khóa lễ buổi chiều để cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử, các chiến sĩ trận vong, cùng đồng bào tử nạn và các cô hồn bị chết oan không thể đi đầu thai, trở thành những cô hồn không nơi nương tựa…
Sự xuất hiện của việc tạo tượng Thánh Hiền A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc đóng một vai trò quan trọng trong sự thờ cúng ở các chùa Việt. Điều đó cũng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Phật tử Việt qua ba vấn đề: thứ nhất, việc tạo hình tượng cho việc thờ cúng theo nghi lễ tôn giáo; thứ hai, đáp ứng cho nhu cầu tổ chức tín ngưỡng trong hệ thống chùa chiền; và thứ ba, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người Phật tử Việt. Điều này ảnh hưởng đến thủ ấn và hình dáng của các Ngài và các vị Thị giả.
1. Đức Thánh Hiền ( Tổ A Nan)
Phần này chúng ta bàn đến những yếu tố nghệ thuật đã có tác động đến sự hình thành và tạo hình của Thánh Hiền A-nan và Đức ông Cấp Cô Độc trong truyền thống thờ tự tại các chùa ở miền Bắc. Phần đầu của tiết này chúng ta sẽ bàn tới hai giả thuyết có thể đã giúp hoặc làm mẫu để hình tượng Thánh Hiền A-nan. Đoạn sau sẽ bàn về một giả thuyết có khả năng ảnh hưởng đến mô thức tạo hình cho các pho tượng Đức ông.
Ngài A-nan là một trong thập đại đệ tử và là vị thị giả nổi tiếng của Đức Phật. Trên mặt nghệ thuật tạo hình trong Phật giáo, hình tượng ngài A-nan rất phổ thông và có nét truyền thống. Đứng trên phong cách nghệ thuật lý tưởng mà bàn, chúng ta thấy tượng của ngài được tôn tạo như một vị Hiền trung niên, gương mặt rạng rỡ trang nghiêm đầy lòng thương yêu quan hoài đến chúng sinh. Trong hình tượng vị Thánh Hiền chẩn tế cô hồn, ngài luôn ngồi trên ngai, hoặc trên bệ cao (điển tòa) một cách trang trọng, chân để trên mặt đất. Sự diễn tả này theo quy ước sắp xếp ở các trai đàn chẩn tế là vị chủ sám luôn luôn ngồi trên ghế đặt ở giữa, hai chân nhẹ nhàng đặt trên mặt đất.
Khi khảo sát các nguồn gốc nghệ thuật đã có tác động hoặc xa hoặc gần lên sự tạo hình tượng Thánh Hiền , có hai xuất xứ có khả năng gây ảnh hưởng đến cách tạo hình của ngài.
Khả năng thứ nhất là một vị sư nào đó đã dựa vào sự miêu tả hình dáng và diện mạo của ngài A-nan diễn đạt trong kinh rồi hướng dẫn một họa sĩ hoặc một nhà điêu khắc tạc hình tượng của ngài. Nhìn chung đa số các tượng ngài A-nan thờ ở các chùa ở miền Bắc có những nét tương tự, trong khi tượng của hai vị thị giả đứng hoặc ngồi chầu hai bên thì mỗi nơi mỗi khác tùy theo cách diễn đạt và sự tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân. Đây chỉ là một giả thiết vì hiện nay chúng ta không có tư liệu minh chứng cho vấn đề này.

Vị Tăng Việt Nam năm 1870

Vị Tăng Việt Nam năm 1870

Vị Tăng Hải Phòng năm 1920
Khả năng thứ hai là những nghệ nhân xưa tạc tượng ngài dựa theo những họa đồ in từ mộc bản của các kinh hoặc các khoa chẩn tế thí thực cô hồn được các vị sư từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam. Dựa theo các tư liệu lịch sử, chúng ta biết rằng Thiền sư Chuyết Công (1590-1644), người Trung Hoa, khi đến hoằng pháp tại Việt Nam vào đầu thập niên 1630 đã mang theo những bản kinh, và các khoa nghi chẩn tế thí thực cô hồn. Trong thời gian lưu trú tại miền Bắc, Thiền sư đã nỗ lực trùng tu chùa Phật Tích và khởi công xây dựng chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh vào giữa thế kỷ XVII. Trong thời gian này, vua Lê, chúa Trịnh đã thỉnh Thiền sư làm chủ sám trai đàn chẩn tế tại Thủ đô. Theo các tư liệu văn bia tại chùa Phật Tích và Bút Tháp cũng như sự nghiên cứu của tác giả Nguyễn Lang đã nhận định trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì ngài Chuyết Công và vị đệ tử nổi tiếng của ngài là Thiền sư Minh Hành (1596-1659), đã làm chủ sám cho các đại trai đàn chẩn tế cô hồn và cầu nguyện cho đất nước hòa bình nhân dân an lạc. Thiền sư Chuyết Công cũng đã tổ chức và in ấn lại vài bản kinh ở chùa Phật Tích.
Rất tiếc là Việt Nam không có những viện bảo tàng lịch sử, hoặc văn khố thành lập vào các thế kỷ trước để lưu giữ tư liệu, sách vở và văn bản, do đó khó mà biết được. Nhưng dựa vào các tư liệu đã in cùng thời tại Trung Quốc hiện nay đang lưu giữ tại một số viện bảo tàng ở nước ngoài, có thể cho chúng ta một vài khái niệm về các bản in ngài Chuyết Công và Minh Hành đem vào Việt Nam mà bây giờ không còn bản in hoặc các khắc bản bằng gỗ.
Thí dụ những bản in mộc bản về khoa cúng thí thực Ngạ Quỷ Diệm Khẩu điêu khắc và mô tả hình ảnh ngài A-nan ngồi thiền trong hang động. Tiêu Diện (Diệm Khẩu, Diệm Nhiên tuy là khác tên nhưng đều chỉ con quỷ đã gặp A-nan, và về sau Đại thừa hóa thành Bồ-tát Diện Nhiên Vương) được miêu tả như một con quỷ đói bị ngọn lửa nghiệp báo cháy nung ruột gan và phát ra từng tia lửa từ miệng. Dù là quỷ đói Ấn Độ đã phục sức theo Trung Quốc có thắt đai lưng, nhưng áo quần rách tươm. Tay phải của Tiêu Diện đang đưa ra trong trạng thái như đang trò chuyện và cảnh cáo ngài A-nan đang ngồi phía trên cao bên góc phải. Hai hàng chữ bên trên góc chú thích rằng Đức Quán Thế Âm Bồ-tát đã hóa thân Diệm Khẩu đến gặp ngài A-nan khi ngài đang ngồi thiền trong rừng.
Xuất xứ của nghi thức chẩn tế cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện ngài A-nan gặp con quỷ đói có tên là Tiêu Diện Khẩu (miệng bị thiêu đốt), có bản kinh dịch là Diện Nhiên (mặt bị thiêu đốt) . Trong nghi Mông sơn thí thực danh xưng là Diện Nhiên Bồ tát. Kinh Phật thuật lại rằng một đêm vào mùa an cư kiết hạ, ngài A-nan đang ngồi thiền ở một động đá trong khu rừng nhỏ, khi ngài mở mắt xuất định thì thấy một con quỷ đói xấu xa tên là Tiêu Diện đứng ở trước mặt ngài. Qủy Tiêu Diện cảnh báo ngài A-nan rằng nếu ngài không bố thí thức ăn và nước uống cho các loài quỷ đói ở trong vùng, thì trong vòng ba ngày nữa ngày A-nan sẽ chết và sẽ bị sinh làm ngạ quỷ. Bị gặp quỷ đói trong lúc đang ngồi thiền lại bị cảnh cáo điềm dữ, nên A-nan sợ hãi gặp Phật và cầu cứu Đức Phật tìm phương pháp cứu giúp.
Thương tình A-nan và các chúng sinh đau khổ, nhân đó Đức Phật dạy cho A-nan các bài thần chú. Đức Phật nói rằng các bài thần chú này là do Đức Thế Tôn học được từ Đức Quán Thế Âm khi còn là vị cổ Phật trong nhiều kiếp trước. Vào thời đó Đức Thế Tôn là một vị Bà-la-môn đang trên con đường Phật đạo. Đức Phật dạy Tôn giả A-nan rằng các bài chú này có công năng vô lượng vô biên, có thể biến một chén cháo, một nắm gạo, một tách nước trong trở thành cam lồ mỹ vị và có thể cúng thí cho vô lượng cô hồn mà thức ăn thức uống không bao giờ hết. Hơn nữa, nếu các loài ngạ quỷ hết sức chú tâm lắng nghe khi đọc tụng các bài thần chú này, chúng có thể biến thân ngạ quỷ ghê tởm xấu xa thành thân thể đẹp và có thể sinh vào cõi trời, cõi người hoặc được sinh vào cõi Tịnh độ.
Trở lại vấn đề các yếu tố có thể tác động đến sự tạo hình của Thánh Hiền A-nan, nếu so sánh tượng thổ phủ sơn của ngài A-nan thờ ở chùa Mía và chùa Bút Tháp là những pho tượng có niên đại xưa nhất ở Việt Nam còn lại (hình tư liệu trình bày trong bài này do tác giả chụp vào năm 1993, sau 1998 pho tượng này đã được tu sửa lại và mất hết các dấu tích xưa), chúng ta thấy các pho tượng này có những nét tương tự với hình minh họa trong nghi chẩn tế.
Phong cách tự nhiên được phát triển trễ hơn so với phong cách nghệ thuật lý tưởng. Từ vài tác phẩm được trình bày trong bài viết này cho chúng ta thấy rằng những pho tượng tạc theo phong cách hiện thực nhìn chung rất gần gũi với quần chúng và dễ cảm nhận hơn so với những tượng tạc theo phong cách lý tưởng. Theo như các pho tượng chúng ta phân tích và trình bày ở trên, thì Ngài A-nan được tạc theo cả hai phong cách. Tượng của Ngài tại chùa Sùng Ân được miêu tả như một vị sư ngoại quốc vấn khăn quanh cổ, còn tượng của ngài ở chùa Hoằng Ân diễn tả ngài như một vị Tăng sĩ thuần túy người Việt Nam. Ngài Tiêu Diện thì dưới hình dạng gần con người hơn là loài quỷ. Từ các tiểu tiết tạo hình trên những pho tượng này cũng được xem trọng như không gian tương phản của chúng, và trở thành cơ hội để diễn đạt nhiều kiểu gương mặt và sự khác biệt trong tuổi tác. Bỏ qua bản chất vốn hung hãn của họ, vị Bà-la-môn và Tiêu Diện được diễn đạt một cách thật sống động.
2. Đức Ông ( Cấp Cô Độc)
Do làm nhiều việc thiện và ủng hộ Phật pháp nên dù không phải là Phật nhưng Đức Ông vẫn được thờ tại hầu hết các ngôi chùa. Trong tiềm thức dân gian ngài là vị thần chủ tể ở chùa, là Thập bát long thần ủng hộ Phật pháp và là vị thần trong coi trọng chùa, bảo hộ cho trẻ em. Đây là vị thần trông coi, bảo vệ chùa. Lâu dần, cũng vì thế mà người ta quên đi nguồn gốc thực của Đức Ông. Chỉ nhớ rằng ngài là vị thần giữ cửa canh chùa và từ đây tư duy của người dân đã quyết định hình tướng của Đức Ông.
Trong phong cách lý tưởng, tổng thể mà nói chúng ta thấy rằng tượng Đức Ông Cấp Cô Độc được tạc như một vị quan có diện mạo đỏ như trái gấc. Có thể những nghệ nhân đã tạc ngài theo hình tượng ngài Quan Công, vị tướng anh hùng của Lưu Bị trong thời Tam Quốc, mà chúng ta biết qua truyện Tam Quốc Chí,hoặc Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong những tác phẩm cổ tại chùa Mía và chùa Bút Tháp, tượng của ngài Cấp Cô Độc được tạo hình gần giống với tượng Quan Công có Quan Bình và Châu Xương đứng hầu. Dựa trên các tư liệu sử học chúng ta biết rằng kể từ thời Đường trở về sau, ngài Quan Công được thánh hóa trở thành vị hộ pháp già lam. Tượng Đức Ông chùa Bút Tháp và chùa Mía được mô tả như một vị quan triều đình, có đôi chân mày rậm, mắt mở to, gương mặt nghiêm khắc như là Quan Công hơn là vị thương gia giàu có Cấp Cô Độc người Ấn, cũng là vị cư sĩ nổi tiếng xây tịnh xá Kỳ Hoàn và hết lòng ủng hộ Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài. Các pho tượng Đức Ông đều mô tả ông ngồi thẳng trên ngai cao,có quan văn và quan võ chầu hai bên. Bộ tượng thờ chùa Bút Tháp, hình tướng Đức Ông tương tự như Quan Công, có vị quan văn trông như Quan Bình, con nuôi của Quan Công và vị quan võ, như thế là Châu Xương, tùy viên và chấp lệnh của Quan Công, đứng hầu hai bên.

Tranh Quan âm – Quan Bình và Châu Xương
Về sự tương tự khá trùng hợp giữa tượng Đức Ông và tượng Quan Công, chưa có bài viết nào hoặc một vị nào đưa ra vấn đề này. Ở đây, chúng ta đưa một vấn đề có thể giải thích sự tương tự này. Vào những thế kỷ trước, khi những nghệ nhân Việt Nam muốn tạc tượng Đức Ông Cấp Cô Độc nhưng không có tư liệu mẫu về hình ảnh của ngài, do đó họ có thể đã tạc ngài theo hình tượng của Quan Công, vị tướng được thờ ở các chùa chiền Việt Nam như một vị thần hộ pháp. Tượng Đức Ông Cấp Cô Độc mặc quan phục, mão cánh chuồn, hình ảnh của ngài giống như là một vị quan hơn một thương gia giàu có Ấn Độ. Chúng ta có thể cho rằng hình tượng của Ngài được dựng lên theo trí tưởng tượng của tín đồ hơn là theo sự chuẩn xác khi miêu tả hình tướng Cấp Cô Độc. Trong văn chương và kinh điển Phật giáo, ông Cấp Cô Độc là một người rất nổi tiếng và khá quen thuộc, nhưng trên mặt tạo hình thì thật xa lạ với những nghệ nhân địa phương. Hơn thế nữa, vì tượng này trở thành phổ thông vào thế kỷ thứ XVII-XVIII lúc đang xảy ra nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, do đó có khả năng là các nghệ nhân đã dựa trên hình tượng của Quan Công, một vị anh hùng được người Trung Hoa, và luôn được nhớ đến lòng dũng cảm, sự trung thành, nghị lực cương quyết của ông đối với Lưu Bị, người anh em kết nghĩa vườn đào.
Hai vị thị giả của Đức Ông như là hai vị quan phụ tá cho các vị quan phủ, quan huyện khi thăng đường xử án mà ta thường thấy trong phim bộ Trung Quốc.

Nguyễn Mại – Đốc trấn Cao Bằng thời Lê xử án

Quan phủ xử án với 1 bên quan Văn một bên Quan võ
NGUYÊN TẮC TẠO MŨ VÀ Y PHỤC CỦA ĐỨC ÔNG
Xem xét hoàn cảnh tạo ra các tôn tượng Đức Ông và Đức Thánh Hiền, hầu hết tôn tượng này đều được tạo hình từ thế kỷ 17-19 dù trên phương diện lịch sử, hình tượng ngài A-nan và ngài Cấp Cô Độc được đề cập đầu tiên trong văn bia thời Mạc (1527-1592) và những tượng đẹp, tinh xảo tồn tại đến ngày nay được các Hoàng tộc, các Quan,… phát tâm cúng dường. Do vậy các tượng sẽ ảnh hưởng nhiều bởi quy định y phục thời Lê Trung Hưng và triều Nguyễn.
Đại Triều phục nhà Nguyễn được kế thừa bản sắc trang phục của các triều đại quân chủ Việt Nam từ trước, đó là tính khoa trương về thẩm mỹ cung đình – các Quốc gia khác như Mãn Thanh/Trung Hoa vốn nặng về tính hoành tráng với bố cục trang trí chặt chẽ, trong khi triều phục Nhật Bản và Triều Tiên lại có tính tối giản hơn nhiều. Do vậy việc không thể hiện được đầy đủ Y phục, Mão của các tượng Việt thì thật là đáng tiếc.
Đại Triều phục của quan lại nhà Nguyễn được ban cho các quan văn võ cao cấp, là lễ phục thuộc hàng cao quý nhất đế quốc Đại Nam. Các lớp trong và ngoài của bộ Đại Triều phục được xếp theo thứ tự đeo/mặc như sau:
∎ Võng cân (網巾): lưới bọc tóc, có hai dây buộc nhằm bao quanh đầu và cố định tóc.
∎ Miệt (襪): bít tất.
∎ Oa (鞾): hia, màu đen.
∎ Thường (裳): xiêm y mặc phía trong áo bào, gồm phần áo phía trên nối liền phần xiêm phía dưới – màu sắc xiêm tùy theo phẩm trật.
∎ Tứ linh bào (四靈袍): còn gọi là áo mãng bào, được dệt hình tứ linh – các màu lục, lam, đen được tùy nghi sử dụng cho quan từ nhất phẩm đến tam phẩm (1804).
∎ Đái (帶): đai lưng, cốt tre bọc vải đỏ, bề mặt sức vàng hoặc đồi mồi bọc vàng bạc tuỳ theo phẩm trật.
∎ Phát đầu quan (幞頭冠): còn gọi là mão phát đầu, mão dành cho quan từ thất phẩm trở lên, quan văn có đỉnh tròn gọi là “viên phát đầu” và quan võ có đỉnh vuông gọi là “phương phát đầu”.
∎ Hốt (笏): thẻ cầm tay, được làm bằng ngà hoặc gỗ tuỳ theo phẩm trật.
Tứ linh bào là hình tượng trang phục phổ biến về triều đình Đại Nam, trên áo có hình tứ linh gồm: rồng (4 móng), kỳ lân, rùa và phụng.
Áo khi xưa được dệt tại Trung Hoa (dệt cài hoa, họa tiết theo phong cách cuối Minh đầu Thanh), được chuyển về Nam quốc và may theo kiểu dáng của Nam triều.
Lưng áo có 2 cánh lớn phía sau, được may vào mỗi bên, gọi là “dực” hoặc “cánh diều”. Chi tiết trang phục độc đáo này (cùng với kích thước đặc biệt của nó) đã xuất hiện muộn nhất ở cung đình Việt Nam vào thời Lê Trung hưng – Chúa Nguyễn và được triều Nguyễn kế thừa.
Vào năm 1832, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “Áo bào của quan tam phẩm trở lên tục gọi là áo bào Tứ linh, có hình rồng trong đó […] cách gọi như vậy đều không phù hợp, bởi hình phụng, lân, rùa chỉ là hình phụ họa mà thôi, chỉ cần gọi Mãng bào là được.” Do đó áo còn được gọi là Mãng bào (rồng 4 móng – tức con mãng).
1. MŨ PHỐC ĐẦU
Từ năm 1500 trở đi nhà Lê Sơ định ra quy chế bắt buộc là Triều phục – Công Phục là áo bào có Bổ tử đi với mũ Phốc Đầu được gọi chung là Bổ phục.
Bổ tử ( 補子) còn có tên gọi Hung Bối, Hoa dạng…
Là miếng vải được thêu trước ngực áo (Và cả ở sau lưng áo) có hình cỏ cây, muôn thú dùng để phân biệt phẩm trật quan lại.Thông thường quan văn trên bổ tử sẽ thêu hình các giống chim, quan võ trên bổ tử thêu hình các giống thú
Về kiểu áo thì vẫn là áo cổ tròn cài khuy, trong mặc giao lĩnh ngắn như thời Lý – Trần.

Từ trên xuống dưới, mũ Ô Sa trong tranh chân dung Nguyễn Trãi tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam – Mũ Phốc Đầu rên tượng thái giám Trịnh Đăng Đống – Mũ Phốc đầu của quan văn và võ triều Nguyễn (Ảnh từ sách Ngàn năm áo mũ)
Thời Lê Hiến Tông nữa, lần này quy định mũ Phốc Đầu như sau:
“Các vị hoàng thân và các quan văn võ từ tam phẩm trở lên, mũ Triều phục dùng mũ Phốc Đầu, hoàng thân trang sức vàng, văn võ trang sức bạc, phục sắc màu tía.
Bổ tử thì hoàng thân và các vương công dùng Kỳ Lân, quan văn nhất, nhị phẩm dùng tiên hạc, quan võ dùng sư tử, quan văn tam phẩm dùng Cẩm Kê, quan võ Tam phẩm dùng Bạch Trạch. Đai thì dùng đai sừng tê, hoàng thân sức vàng văn võ nhất, nhị phẩm sức bạc, tam phẩm sức đồi mồi bọc là đỏ. Tứ phẩm tới ngũ phẩm, quan võ dùng nón bạc, quan văn dùng Phốc Đầu không trang sức, phục sắc màu lục, Bổ tử thì quan văn võ tứ phẩm dùng Hổ, quan văn dùng Khổng tước, quan võ ngũ phẩm dùng Báo, quan văn dùng Vân nhạn.
Đai thì quan văn võ đều dùng đai đồi mồi sức thau bọc là đỏ. Từ lục phẩm trở xuống, quan võ đội nón sơn, quan văn đội Phốc đầu không trang sức, phục sắc màu xanh.
Bổ tử thì quan võ dùng Tượng, quan văn dùng bạch nhàn. Đai thì quan văn võ đều dùng đai tốc hương viền thau bọc đoạn thâm”

Bảng tổng hợp và so sánh quy chế bổ tử của bá quan Triều Tiên và bá quan Lê – Nguyễn nguồn từ bài viết Tương đồng quan phục ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc tác giả Trần Quang Đức
Tổng hợp lại có thể thấy mũ Phốc đầu mà quan lại nhà Lê Sơ dùng sau năm 1500 cũng như tới tận nhà Lê Trung Hưng sau này là lại mũ Phốc Đầu có dáng vuông nhưng tròn trịa hơn trước, cánh không dài như mũ phốc đầu thời Lý – Trần mà cũng tròn trịa, rộng hơn trên mũ có trang sức hoa văn vàng bạc rất nhiều

Đồ giải mặt trước mũ Phốc Đầu Nhà Nguyễn
Đồ giải mặt trước mũ Phốc Đầu Nhà Nguyễn:
(1) Trang sức Bác sơn (khỏa kiều)
(2) Hoa vàng
(3) Giao long vàng
(4) Khỏa giản vàng (hốt)
(5) Cánh chuồn mũ đầu bọc vàng (cấp cao hơn thì viền cánh chuồn được bọc vàng)

Đồ giải mặt sau mũ Phốc Đầu nhà Nguyễn
Đồ giải mặt sau mũ Phốc Đầu nhà Nguyễn
(1) Như ý vàng (chỗ để cài cánh chuồn)
(2) Nhiễu tuyến (cấp thấp chỉ làm bằng the đen, còn cấp cao được bọc vàng)

Bề mặt giao long được trang trí vàng

Ảnh chụp mặt trước mũ Phốc đầu vuông dành cho quan Võ nhất phẩm đội

Một chiếc mũ của quan đại triều được kết bằng lông ngựa và gắn các họa tiết trang trí bằng vàng.

Hiện vật mũ Phốc đầu Lê – Trịnh trong sách Trang phục triều Lê – Trịnh

Trang phục triều Lê – Trịnh

Trang phục triều Lê – Trịnh

Trang phục triều Lê – Trịnh

Trang phục triều Lê – Trịnh

Trang phục triều Lê – Trịnh

mũ Quan lại triều Nguyễn
2. BỔ TỬ
Đến triều Nguyễn, từ đời vua Gia Long, bổ tử cũng có qui định như sau:
Phẩm phục thường triều quan võ: trên nhất phẩm đến chánh tam phẩm, tòng tam phẩm, bổ tử nền kim tuyến, thêu kỳ lân (trên nhất phẩm và chánh, tòng nhất phẩm), chánh, tòng nhị phẩm thêu bạch trạch, sư tử (chánh, tòng tam phẩm). Từ chánh tứ phẩm, tòng tứ phẩm, bổ tử thêu hình hổ (chánh, tòng tứ phẩm), báo vằn (chánh, tòng ngũ phẩm), gấu (chánh, tòng lục phẩm). Từ chánh thất phẩm đến chánh, tòng cửu phẩm, bổ tử nền xanh, thêu beo (chánh, tòng thất phẩm), tê ngưu (chánh, tòng cửu phẩm).

Trang phục triều Lê – Trịnh của họa sĩ Trịnh Quang Vũ, tác giả có đưa ra hình vẽ phục dựng Bổ Tử của quan võ
![Bổ tử trên quan phục Văn nhất và nhị phẩm (Tiên Hạc), mẫu Huế [trái] và trên quan phục Văn cửu phẩm (liêu thuần-đa đa) mẫu Bắc[phải]](https://www.tuongphatgo.vn/wp-content/uploads/2021/09/quan-phuc-nguyen-17.jpg)
Bổ tử trên quan phục Văn nhất và nhị phẩm (Tiên Hạc), mẫu Huế [trái] và trên quan phục Văn cửu phẩm (liêu thuần-đa đa) mẫu Bắc[phải]
![Bổ tử trên quan phục Võ thất phẩm (bưu, tức hổ nhỏ) mẫu Huế [trái] và Võ tứ phẩm (hổ) mẫu Bắc [phải]](https://www.tuongphatgo.vn/wp-content/uploads/2021/09/quan-phuc-nguyen-18.jpg)
Bổ tử trên quan phục Võ thất phẩm (bưu, tức hổ nhỏ) mẫu Huế [trái] và Võ tứ phẩm (hổ) mẫu Bắc [phải]

Mẫu bổ tử triều Nguyễn

Ảnh chụp quan đại thần triều Nguyễn – Phan Thanh Giản

Quan Tổng đốc Đào Trọng Kỳ (1839-1914)

Tôn Thất Đàn danh thần triều Nguyễn Việt Nam, Hình bộ Thượng thư thời Bảo Đại (1871 – 1936)

Ảnh chụp quan võ nhà Nguyễn đội Phốc đầu vuông mặc triều phục

Ảnh chụp quan lại nhà Nguyễn đội Phốc mặc triều phục

Ảnh chụp quan lại nhà Nguyễn đội Phốc mặc triều phục

Tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân năm 1902, quan văn chính nhất phẩm mặc mãng bào màu cổ đồng, họa tiết, hoa văn, kiểu dáng thì đúng nhưng màu thì họa sĩ tô sai.

Tượng Đức Ông – theo nghiên cứu là hình tượng vua Quang Trung chùa Bộc (Hà Nội) và hai vị triều thần phối hưởng đều đội mũ Xung Thiên, Bổ phục Kỳ Lân, theo mô típ tạo tượng Tk XVIII.

Quan văn An Nam vẽ trong “Hoàng Thanh chức cống đồ” (Khoảng năm 1751) mặc Bổ phục đội Ô Sa

Hiện vật áo mãng bào màu cam bích của Nguyễn Tri Phương tại bảo tàng hải quân quốc gia Paris – Pháp (Nguyễn Tri Phương là quan hàng chính nhị phẩm)

Hiện vật áo mãng bào cam bích tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Kết cấu chung của 1 bộ triều phục nhà Nguyễn gồm võng cân – đai – áo bào – mũ Phốc đầu – hốt – hia (Tranh vẽ của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa), tranh gốc là tranh không màu, người ta đã tô màu lại nhưng tô sai màu áo bào, vì chỉ có vua mới được mặc màu vàng.
3. KIỂU DÁNG Y PHỤC
Thời xưa trang phục thường được phân loại theo cách cắt của cổ áo thành ba dạng: đối lĩnh (tức giao lĩnh), trực lĩnh và bàn lĩnh.

Đối lĩnh (trái), Trực lĩnh (giữa) và Bàn lĩnh (phải). Trích từ ‘Trung Quốc cổ đại nhân vật phục thức dữ họa pháp’.
– Đối lĩnh, hay giao lĩnh, có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế Giao. Tay áo giao lĩnh cắt thụng, khi buông xuống dài bằng gấu áo. Các nước Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam đều có áo này. Dưới thời Nguyễn ở Việt Nam phụ nữ không mặc giao lĩnh. Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, người mình vẫn mặc áo giao lĩnh.
– Trực lĩnh, tức là áo có vạt xẻ dọc ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung thời nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ. Áo này không được vua quan, nam phái trong triều đình Việt Nam xử dụng. Trong khi đó các nam đạo sĩ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được cắt y hệt như áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh cũng may rộng, xẻ bên, và có tay cắt thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông.
– Bàn lĩnh, tức áo cắt cổ tròn, có hay không có cổ đứng đính liền, vạt cài sang phải. Lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ở nước ta trước đây. Ở trong cung áo này được cả nam lẫn nữ phái xử dụng dưới dạng long bào, phượng bào của vua, hoàng thái hậu, hoàng quý phi; và mãng bào của thân vương, hoàng tử và các quan. Các áo bào này được may bằng gấm thất thể hay ngũ thể quý hiếm, và có cổ tròn không đính cổ đứng. Áo rất rộng, xẻ bên. Tay cắt thụng dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến.
Nhưng lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng, gọi là áo Tấc. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy bên phải như áo dài. Áo Tấc rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.

Áo Tấc

Áo gấm với bổ tử Kỳ Lân
4. CÁI TRÀO BẢNG HAY CÁI HỐT
CÁI ….HỐT 笏 Vào thời Đông-Hớn 東漢 khi Thiên-Tử, bách-quan,…có chuyện cần phải nghị-sự thời trên tay đều có cầm theo một tấm thẻ mỏng và dài dược làm bằng tre, xương, ngà hay ngọc, cái đó được gọi là cái Trào-Bảng hay thường được gọi đơn giản là cái Hốt.
Mỗi khi bách-quan có việc chi cần đệ-trình lên Thiên-Tử hay Quân-Vương thì biên sẳn vào trong cái Hốt để cho khỏi quên và khi Thiên-Tử có ban lệnh hay chỉ thì cũng biên vào cho rành rỏ khỏi thiếu sót.
Về các triều-đại sau khi các quan vào chầu thời hay tay vẫn bưng vẫn cầm hốt nhưng nó chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là dùng để biên hay chép văn tự vào. Cái Hốt cũng là vật để chứng tỏ vai trò và quyền lực về chánh-trị của kẻ cầm nó ví như Hốt cả Thiên tử được làm bằng Ngọc ( ngọc khuê), hốt của quan lại hay các bật Đại-phu thời được chế bằng Ngà hay xương cá, hốt của các quan lại bật thấp và những kẻ sĩ-phu thời được chế bằng gỗ hoặc tre, trúc.

Hiện vật cái Hốt triều Nguyễn
4. TƯỢNG ĐỨC ÔNG VÀ ĐỨC THÁNH THẮNG THẾ KỶ 17-19
Các pho tượng thổ phủ sơn Thánh Hiền và Đức Ông tôn trí tại chùa Sùng Nghiêm (tên thường gọi là chùa Mía, toạ lạc tại xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây), có thể là những tác phẩm nghệ thuật tôn tạo theo mô thức nghệ thuật lý tưởng sớm nhất. Tượng Đức Ông thường sử dụng phục phẩm triều Hoàng thân hay quan Võ nhất phẩm với Bổ tử thêu Kỳ Lân và đội mũ Phốc Đầu hai cánh hơi hướng về phía trước. Loại mũ này không được tự ý để cánh chuồn phẳng hoặc lệch (theo Đại Việt sử ký toàn thư ngày 26 – 5 – 1486 Lê Thánh Tông quy định).

Hệ thống tượng Đức Ông – Già Lam – Chân Tể Chùa Bút Tháp

Hệ thống tượng Đức Thánh Hiền – Diệu Nhiên Đại Sĩ và Bà La Môn Chùa Bút Tháp
QUY ĐỊNH HỆ THỐNG TƯỢNG ĐỨC ÔNG VÀ ĐỨC THÁNH HIỀN CỦA PHÚC MINH
Tôn tượng Đức Ông tại các chùa miền Bắc có sự sai sót khá nhiều từ Mão, Y phục cho đến Pháp khí. Sai sót này đa số nguyên nhân từ do chiến tranh, xuống cấp do thời gian, do trộm cắp, do vận chuyển và khi phục chế lại thì do thiếu kiến thức và làm ẩu dẫn đến làm sai lệch hình tướng ban đầu.
Có những cái sai rất khó hiểu, nếu đọc về lịch sử triều đại Lê – Trịnh, Nguyễn thì thấy phải điều chỉnh ngay như tượng Đức Ông cầm Binh khí là sai, Đức ông cầm Trào Bảnh mới đúng. Phần vải ở tay ngài là vải bọc Hốt, không có binh khí nào lót vải ở chuôi và dài ra như vậy.
Hay Mão đội đầu thay vì đội mũ Phốc Đầu của Quan nhất Phẩm thì lại đội Mão rất sinh động của Vua, Chúa, không đúng tông với Y phục của Quan Nhất Phẩm. Mão thì dùng Nghê (theo suy nghĩ của người thợ tạc tượng) thay vì Ngọc và Giao long (thực tế).
Nếu tượng Đức Ông là tác phẩm một phần tín ngưỡng của phổ biến trong dân gian thì cách đội Mão cũng phải phù hợp với quy định của thời Lê – Trịnh – Nguyễn. Vì búi tóc người Việt được búi trễ về phía sau, nên mão của vua quan triều Nguyễn có xu hướng đội ngửa ra để tránh búi tóc thay vì chụp thẳng xuống đầu. Các hình ảnh lịch sử cũng thể hiện chi tiết này. Đặc điểm búi tóc tạo nên sự khác biệt về cách đội mão của quan viên Đại Nam so với Đại Minh, Triều Tiên. Đây không phải là điều quan trọng khi tạo tượng Phật, tuy nhiên điều này lại chứng minh tượng ngài Cấp Cô Độc Ấn độ được Việt hóa để phục vụ cho tín ngưỡng dân gian chứ không phải là Trung Quốc hóa.
Theo nghiên cứu thì Đức Ông theo dân gian là vị thần trông coi, Bảo vệ Chùa và Bảo hộ cho trẻ em (có nét tương đồng Địa tạng Vương Bồ Tát (Jizo) của Nhật Bản có sứ mệnh bảo vệ trẻ em). Đức Thánh Hiền (Tổ A Nan) cứu độ cho các cô hồn và độ kẻ ở cõi âm như vậy hệ thống tượng sẽ được phát triển theo hệ tư tưởng này.
Nếu tượng đơn thì sẽ kiêm nhiệm tất cả chức năng của Đức Ông, Đức Thánh Hiền trong Ngôi chùa miền Bắc, còn nếu có 2 vị Thị giả thì một số chức năng sẽ chia ra cho các vị Thị giả.
1. Nếu Chùa có Đức Ông và Đức Thánh Hiền nhưng không có bên cạnh 2 vị Thị giả mỗi Ngài thì hình tượng:
- Đức Ông (Cấp Cô Độc): Hình tướng một Án Quan, tay phải cầm Phán Quan Bút, tay trái cầm Sổ
- Đức Thánh Hiền ( A Nan): Hình tướng một vị Sám chủ đàn tế, đầu đội mão Ngũ Phật, mình khoác Y hậu chỉnh tề, tay trái cầm chén nước, tay phải bắt ấn biến thực biến thủy (thủ ấn nào cũng được, tuy nhiên thế ấn phải chuẩn xác.

Ấn Biến thực, Biến thủy
Ấn Biến thực của Đức Thánh Hiền:
(1) Tay trái cầm vật khí chứa thức ăn. Tay phải: ngón cái, ngón giữa cùng vịn nhau. Mỗi lần tụng Chú đến Tam Bạt La (sambhāra) thời cùng cột buộc, chữ Hồng (hūṃ) thì ngón cái, ngón trỏ cùng búng tay.
(2) Biến Thực Chân Ngôn này đến Kết Nguyện thì tay trái cầm vật khí chứa thức ăn, nên cao hơn con mắt.
2. Nếu chùa có đủ bộ sẽ bao gồm: Đức Ông với Diện Nhiên Đại Sĩ (hay là Tiêu Diện Đại Sĩ) và Bà La Môn, Đức Thánh Hiền với Già Lam và Chân Tể.
a. Tượng Đức Ông với Bên trái là Chân Tể, Bên phải là Già Lam.
Tượng Đức Ông lúc này tay phải giơ Trào Bảng (hay cái Hốt), tay trái chống đùi. Bổ tử và Mũ Phốc Đầu của Quan Nhất Phẩm. Chân trái thẳng góc người xem, chân phải nghiêng tạo gần giống chữ Đinh, thế chân thoải mái.
- Tượng Chân Tể mặc y phục Quan Văn, tay phải cầm Phán quan bút, tay trái cầm Sổ. Sử dụng Bổ tử hình Khổng tước và Mũ Phốc Đầu của Quan Văn Tứ Phẩm
- Tượng Già Lam mặc Giáp trụ của Võ Quan, tay trái bắt quyết tay phải vuốt râu. Sử dụng Bổ tử hình Hổ và Mũ Phốc Đầu của Quan Võ Tứ Phẩm.
b. Tượng Đức Thánh Hiền với Bên trái là Diện Nhiên Đại Sĩ và bên phải là Bà La Môn.
Tượng Đức Thánh Hiền trong hình tướng một vị Sám chủ đàn tế, đầu đội mão Ngũ Phật, mình khoác Y hậu chỉnh tề, tay trái cầm chén nước, tay phải bắt ấn biến thực biến thủy (thủ ấn nào cũng được, tuy nhiên thế ấn phải chuẩn xác.
- Diệu Nhiên Đại Sĩ tay trái bắt quyết, tay phải cầm Cờ.
- Vị Bà La Môn với tay phải cầm Kiếm lệnh, tay trái cầm Linh Chung.
Ghi chú:
- Mặc đại triều phục không được cầm quạt, và nữ giới không cầm hốt. Vai áo không có vân kiên (tấm vải hình oval phủ trên vai), đương nhiên không được cầm binh khí.
- Quan triều không được cầm Ngọc Như Ý, sẽ bị khép trọng tội tiếm xưng
- Tay áo vua, quan triều Nguyễn không có cột thủy (các sọc dọc chéo), và gấu áo các quan không có cột thủy chéo đa sắc như ở triều phục nhà Thanh, Trung Quốc.
- Bên trong áo bào của triều phục Việt Nam thời Nguyễn không có lớp áo lót tay rộng, cho nên không có tay áo lót rộng lộ ra khỏi tay áo bào. Vì khí hậu nóng, nên triều đình Huế đã bỏ cái áo giao lĩnh (vạt cổ cài chéo) bên trong áo bào như theo lệ cổ. Thay vào đó là một cái cổ giao lĩnh giả, nho nhỏ, mầu trắng, gắn vào bên trong cổ áo bào.
Hình ảnh Thánh Hiền A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc đồng thời phản ánh các sức sống văn hóa và tâm linh của thời đại, bao gồm sự bình an của trẻ thơ. Thánh Hiền và Đức Ông được thờ ở các chùa ở miền Bắc mà lại thiếu vắng trong các chùa ở miền Trung và miền Nam phản ánh sự phát triển của Phật giáo khác biệt giữa hai miền Bắc và Nam. Điều này cho ta thấy trong thời gian Trịnh Nguyễn phân tranh khi đất nước chia làm hai miền. Ở đàng Ngoài, các chùa Trịnh đã bỏ ra nhiều tiền của xây dựng và trùng tu các chùa chiền và nới rộng thêm kiến trúc. Ở Đàng Trong, các chùa Nguyễn mở đường Nam tiến khẩn đất khai hoang để mở rộng đất nước về phương Nam.
Các pho tượng Thánh Hiền và Đức Ông được khảo cứu và mô tả trong bài này không hẳn là các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, mà là những hình tượng có công năng truyền tải giá trị văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử xã hội Việt Nam thời đương đại. Tượng Thánh Hiền và Đức Ông ở trên một phương diện khác phản ảnh lịch sự phát triển và mở rộng của hệ thống kiến trúc chùa chiền ở miền Bắc và vị trí quan trọng của hai vị này trong môi trường tâm linh mới. Hơn nữa, tượng Thánh Hiền A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc biểu lộ mục đích cao cả của nghi lễ tôn giáo như là một hình thái và sinh hoạt tâm linh giữa Tăng Ni và Phật tử, giữa chùa chiền với làng nước, giữa người sống và cõi chết, giữa cõi âm và cõi dương. Tượng Thánh Hiền và Đức Ông đồng thời làm nổi bật mục đích và ý nghĩa tiêu biểu của truyền thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam được thực hiện qua hình thái tạo hình. Tượng Thánh Hiền và Đức Ông có giá trị cao trong việc giúp chúng ta hiểu sâu rộng thêm bối cảnh lịch sử và văn hóa đã có những tác động trong việc ra đời hai hình tượng tôn giáo có ý nghĩa sâu sắc như vậy. Đồng thời cũng làm sáng tỏ thêm về hình ảnh và tác dụng sâu sắc về nghi lễ tôn giáo đối với đời sống của nhân dân.
MẪU TƯỢNG CỦA PHÚC MINH
Hiện Phúc Minh đang trong giai đoạn sáng tác, dự kiến cuối năm 2021 sẽ giới thiệu tới công chúng.
Nguyễn Ngọc Phương – Quản lý Xưởng tượng Phật gỗ Phúc Minh
Bài viết được tham khảo:
- Quảng Chơn – tạp chí Arts of Asia (Nghệ thuật châu Á), xuất bản ở Hồng Kông
- Bổ tử trên phẩm phục quan triều Nguyễn – Đinh Quỳnh Hoa (Phòng QLHV) – Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Trang phục triều Lê – Trịnh do nhà nghiên cứu, họa sĩ Trịnh Quang Vũ biên soạn
- NGHI MÔNG SƠN THÍ THỰC – Hán Văn: Tuệ Tân Pháp Sư cẩn thuật_ Đệ tử Pháp Ấn chỉnh lý – Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH
- Sách
– Ngàn năm áo mũ- Trần Quang Đức
– Trang phục Việt Nam qua các triều đại lịch sử – Đoàn Thị Tình
– Trang phục triều Lê Trịnh – Trịnh Quang Vũ
Ghi chú:
- Trong gần 20 năm nay, có từ hàng trăm đến hàng ngàn pho tượng quý, các pháp khí, và đồ thờ bằng đồng hoặc bằng gốm ở các chùa đã bị mất cắp và thuyên chuyển lậu ra nước ngoài. Đây là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra khắp ở các chùa ở miền Bắc. Các chùa lớn nhỏ có tượng quý đều bị đánh cắp, và tình trạng này đã xảy ra liên tục. Thí dụ, năm 1993, pho tượng Đức Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay và pho Quan Âm Nam Hải ở chùa Tây phương bị đánh cắp. Cùng năm, một số pho tượng Phật ở chùa Mía cũng bị mất trộm. Năm 2003, một số pho tượng Phật và Bồ-tát ở chùa Vĩnh Nghiêm, làng Đức La, tỉnh Bắc Giang đã bị mất trộm. Khi đi khảo cứu điền dã nhiều chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Ngài Quảng Chơn nhận thấy rằng hầu như các chùa có tượng cổ đều bị mất cắp. Đây là một thực tại khó khăn mà các chùa Miền Bắc đã và đang gặp phải. Tại nhiều chùa, các thầy trụ trì đã cho thợ sơn lại các tượng cổ để làm mất giá trị của tượng để tránh bị mất trộm. Một số thợ bây giờ hoặc là tay nghề kém, hoặc làm rất dối, nên lúc sơn phết lại đã làm mất hết các hoa văn cũ trên các pho tượng cổ. Khi còn chiến tranh thì tượng quý còn ở chùa, nay hòa bình mà di sản văn hóa của quốc gia lại bị mất mát. Thật đáng tiếc!
- Khi đi khảo cứu điền dã, Ngài Quảng Chơn đã dập một số bia văn để tham khảo thêm tư liệu về niên đại xây dựng, trùng tu cũng như tóm tắt lịch sử của chùa được khắc trên bia đá. Ngoài ra, tôi cũng đã tham khảo thêm các văn bia của các chùa có liên quan đến bài nghiên cứu được lưu trữ tại thư viện Viện Hán-Nôm. Qua tư liệu văn bia, chúng ta có thể biết một cách tổng quát lịch sử của chùa.
- Tu viện Kỳ Hoàn tọa lạc tại làng Sravsiti, còn gọi là làng Saheth Maaheth, cách thành phố Balrumpur 17 km, và cách thủ phủ Lucknow thuộc bang Uttar Pradesh 160 km. Tu viện đã bị phá hủy sau thế kỷ XI, nhưng di tích vẫn còn cho đến ngày nay. Nền tòa nhà Chiên Đàn nơi Phật thường lưu trú và cây bồ đề do ngài A-nan đem một nhánh bồ đề từ Bồ Đề đạo Tràng, nơi Đức Phật ngồi thiền định 49 ngày trước khi thành đạo, trồng tại tu viện hiện vẫn còn.
- Cuộc đời, sự nghiệp và công đức ủng hộ Phật và Tăng đoàn nguyên thủy Phật giáo của Trưởng giả Cấp Cô Độc đã được viết rất nhiều. Thí dụ, Bhikkhu Nanamoli, The Life of the Buddha according to the Pali Canon. Buddhist Publication Society; 3rd ed., Kandy, Sri Lanka: 1992, trang 87-101. Thích Nhat Hanh, Old Path White Clouds, Parallax. Berkeley, 1991, trang 261-265. Nyanaponika Thera và Hellmuth Hecker, The Great Discliples of the Buddha, Wisdom Publication, Boston, 1997, trang 335-360. G. p. Malalasekara, Dictionary of Pali Proper Names. Munshiram Manooharlal Publishers, New Delhi, bản in năm 2002, tập 1, trang 76-72.
- Đinh Khắc Thuần, Văn bia thời Mạc. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1996, trang 339-340.
- Chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Thuận Hóa từ năm 1558. Năm 1619, khi biết mình sắp qua đời, Nguyễn Hoàng đã chọn con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lên nối ngôi và ông đã trở thành vị chúa Nguyễn đầu tiên ở đất Đàng Trong. Phúc Nguyên đã tuyên chiến với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
- Các chùa Việt xưa đều quay mặt về hướng Nam. Cổng tam quan và ba tòa nhà chính là tiền đường. Phật điện và hậu đường đều được xây trên một trục lộ thẳng theo hướng Nam Bắc. Đứng trên phương diện đồ hình kiến trúc cùa chùa mà xét thì bàn thờ Thánh Hiền A-nan luôn luôn tôn trí bên hướng Tây (tay trái), còn bàn thờ Đức Ông Cấp Cô Độc luôn luôn nằm ở hướng Đông (bên tay phải). Tuy vậy, nhiều chùa không xây hướng chính của chùa theo nguyên tắc này, nhưng tượng Thánh Hiền và Đức Ông bao giờ cũng đặt tại phía trái và phía phải nhà tiền đường.
- Xin tham khảo thêm Hà Văn Tấn. Chùa Việt Nam. NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội: 1993, trang 123-25. Đinh Khắc Thuân. Văn bia thời Mạc, 1996.
- Ở Việt Nam, các vị Tăng chủ sám trong các buổi lễ quan trọng, hoặc các vị chủ lễ trong các đàn chẩn tế cô hồn thường đội mũ ngũ Phật. Mũ ngũ Phật có năm cánh, trên mỗi cánh đều có thêu mỗi vị Phật. Năm vị Phật đại diện giáo chủ cho năm phương, và thường được sắp xếp theo hệ thống Mật tông như thường thấy trong đồ hình mandala. Phương Đông Phật A-súc-bệ; phương Nam Phật Bảo Thắng; phương Tây Phật A-di-đà; phương Bắc Phật Tối Thắng Âm và ở trung ương Phật Tỳ-lô-xá-na.
- Xin tham khảo thêm Chun-Fan Yu. Kuan-yin: The Chinese Transpormation of Avalokitesvara. Colombia University Press, New York.
- Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Paris, Lá Bối, 1978, tập 2, trang 97.
- Xin dẫn ra đây vài thí dụ các bản in mộc bản về khoa cúng thí thực có minh họa ngài A-nan gặp quỷ Tiêu Diện. Một số bản in này hiện nay được sưu tập và tang trữ tại một số viện bảo tang mỹ thuật ở Tây phương có in hình này, thí dụ ở trong sách Buddhism: Art and Faith. British Museum Publications, London, 1985, catalog s#116, trang 88-89; hoặc Robert Weller. Unities and Divertities in Chinese Religion. University of Washington Press, Seattle, 1987, hình số 4.4 trang 120. Gia1o sư Wekker đã dùng một bản thời Thanh minh họa Bồ-tát Quán Thế Âm hóa thân làm quỷ Tiêu Diện cứu các loài quỷ đói.
- Từ đời Đường (thế kỷ VII) trở về sau được các chùa thờ ngài Quan Công như vị thần già lam bảo vệ chùa chiền. Xin tham khảo thêm về lịch sử và quá trình ngài Quan Công được thánh hóa để trở thành một vị thần chiến tranh, và vị thần già lam. Cheng Mengchao. The Origin of Chinese Deties (Nguồn gốc các vị thần Trung Quốc). NXB Ngoại Văn. Bắc Kinh, 1995, trang 53-58.
- Các khoa cúng thí thực cô hồn được dựa trên năm bản kinh Mật giáo. Trong Đại Tạng Đại Chính Tân Tu, các bản kinh này đánh số từ 3113, 3114, 1315, 1318, 1319 và 1320. Theo các học giả Phật học ở Tây phương, bản kinh đánh số1315, tựa Thí Chư Ngạ Qủy Ẩm Thực Cập Tịnh Thủy Pháp, là bài kinh quan trọng và đầy đủ nhất, Giáo sư Charles Orzech đã giới thiệu và dịch bản này ra tiếng Anh tựa là: “Saving the Burning Mouth Hunrgry Ghost” in trong tập Religions of China in Practice [Sự Hành Trì Tôn Giáo ở Trung Quốc] Princeton University Press, Princeton, 1996, trang 278 – 283. So với bản 1315, bản 1320 tựa Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi, dài và đầy đủ nhất gồm có các nghi thức cùng ấn chú, nhưng không đề cập đến câu chuyện ngài A – nan gặp quỷ đói.
- Trong truyền thống Phật giáo Trung Quốc cũng như truyền thống Phật giáo Việt Nam, lễ hội Vu lan và lễ cúng cô hồn được tổ chức rất trang trọng vào mỗi năm vào rằm tháng Bảy sau ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng. Trong dịp này, đồng bào Phật tử các giới quy tụ về chùa tụng kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã quá vãng. Vào buổi chiều, các chùa lớn thường tổ chức trai đàn chẩn tế cô hồn. Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Đông Á, các học giả Tây phương nhận định rằng lễ hội Vu Lan và trai đàn chẩn tế cô hồn là nền tảng sinh tồn và phát triển của Phật giáo. Lễ trai đàn chẩn tế cô hồn hàng năm được tổ chức rộng rãi vào dịp lễ Vu lan, tuy vậy, với sự quan trọng của việc chẩn tế cô hồn, khoa nghi này còn được tổ chức vào các dịp Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật tử, hoặc khi một người nào đó quá vãng và thân nhân trong gia đình có phương tiện thỉnh chư Tăng làm lễ trai đàn cúng thí thực để cầu nguyện và hồi hướng phúc đức cho thân nhân vừa qua đời. Thỉnh thoảng các nhà hảo tâm, các hội đoàn hoặc chính quyền địa phương cũng bảo trợ tổ chức đại lễ chẩn tế cô hồn cho các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, các oan hồn tử sĩ, các người thương vong, v.v…
- Trong lúc nghiên cứu cho bài viết này, Ngài Quảng Chơn đã tham khảo hai khoa cúng: Thích Thị Bảo Đỉnh Hành Trí Bỉ Chỉ Toàn Chương, và Bảo Đỉnh Hành Tri Bí Chỉ Toàn Chương. Hai tập nghi lễ quan trọng này có tên tác giả là Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm. Hai bản kinh này in lại vào thời Nguyễn tại chùa Viên Minh, xã Cổ Liêu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Thư viện Hán Nôm có hai bản nghi thức này đánh số: AC 225 và VHv 1096. Cho tới nay chưa có học giả nào nghiên cứu về nội dung của hai bản khoa cúng này.
- Các bản kinh nhật tụng ở các chùa Việt Nam đều có in nghi thức Mông Sơn Thí Thực. Nghi thức này hoặc là nguyên chữ Hán, hoặc phiên âm Hán Việt. Gần đây Nghi Thức Thí Thực đã được HT. Thích Nhất Hạnh địch ra tiếng Việt và in trong tập Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn, bằng Quốc ngữ, Lá Bối xuất bản, Walnut Creek, California, 1999, trang 91 – 95. Học giả D.T. Suzuki dịch bài kinh này sang Anh ngữ và xuất bản trong tập sách, Manual of Zen Buddhism [Thiền Môn Khóa Tụng]. Grove Press, New York, 1960.